Công văn 3105 về quy định làm báo cáo giám sát môi trường định kỳ
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường: căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80/2006/NĐ-CP; căn cứ Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đang hoạt động trên địa bàn thành phố thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ như sau:
1. Đối tượng phải thực hiện chương trình báo cáo giám sát môi trường định kỳ (quan trắc môi trường)
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (sau đây gọi tắt là cơ sở) đang hoạt động và thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo Điều 3, Nghị định số 21/2008/NĐ-CP) và Bản cam kết bảo vệ môi trường (theo Điều 24, Luật Bảo vệ môi trường).
2. Nội dung chương trình báo cáo giám sát môi trường định kỳ
Theo dõi số lượng, thực trạng, diễn biến các nguồn tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động của cơ sở đến chất lượng môi trường.
Theo dõi lưu lượng/ khối lượng / tần suất và định kỳ đo đạc, lấy mẫu phân tích các thông số ô nhiễm đặc trưng của chất thải phát sinh từ quá trình hoạt động của cơ sở (nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, tiếng ồn, độ rung, và các chỉ tiêu khác); tần suất đo đạc, lấy mẫu phân tích tối thiểu 03 tháng/lần.
Định kỳ đo đạc, lấy mẫu phân tích các thông số liên quan đến các nguồn tác động tiêu cực của môi trường xung quanh cơ sở (nước mặt, nước ngầm, không khí, đất) – nếu tại khu vực của cơ sở không có trạm quan trắc chung của cơ quan nhà nước; tần suất đo đạc, lấy mẫu phân tích tối thiểu 06 tháng/lần.
Theo dõi diễn biến và đo đạc thực trạng các yếu tố (nếu có liên quan): xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ, bờ biển; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ, đáy biển; thay đổi mực nước mặt, nước ngầm; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn; và các tác động khác (nếu tại khu vực của cơ sở không có trạm quan trắc chung của cơ quan nhà nước); tần suất đo đạc phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
3. Báo cáo giám sát môi trường
Nội dung của Báo cáo giám sát môi trường: theo mẫu đính kèm.
Nơi gửi Báo cáo giám sát môi trường: Phòng Quản lý môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường (địa chỉ số 63 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1), Phòng Tài nguyên và Môi trường – Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt cơ sở và các cơ quan chức năng khác (theo yêu cầu cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường).
Các cơ sở thuộc danh sách phải di dời do ô nhiễm môi trường và các cơ sở được xác định gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm phải lập và gửi Báo cáo giám sát môi trường định kỳ tối thiểu 03 tháng/lần.
Các cơ sở không thuộc hai đối tượng nêu trên phải lập và gửi Báo cáo giám sát môi trường định kỳ tối thiểu 06 tháng/lần (trừ trường hợp có yêu cầu cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường).
Sở Tài nguyên và Môi trường giao Thanh tra Sở và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với các cơ sở không thực hiện đầy đủ và đúng quy định chương trình giám sát môi trường theo Khoản 4, Điều 27 và Khoản 1 và 2, Điều 29, Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ.
Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn thành phố để biết và thực hiện làm báo cáo giám sát môi trường định kỳ.
Từ khóa: Lập đánh giá tác động môi trường
Comments
Post a Comment